NGƯỜI THẦY DẠY "NÓI" ĐẦU TIÊN CỦA TÔI


Không phải là một người Việt mà là một bà giáo người Anh.

Nghĩ về Bà Thầy thì quả là có nhiều điều rất lạ.

Lạ đầu tiên là cho đến tận giờ này đã hơn 20 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không biết tên thật của Bà và tất cả cùng gọi Bà là “Bà Thầy”.

Bà ở Việt Nam đã lâu lắm rồi cùng với Ông thầy là người Việt. Hồi đó, Bà đi chợ Tân Định mỗi ngày bằng xích lô và trả giá rất sành sõi có lẽ là để thực tập tiếng Việt.

Lạ kế tiếp là: Học trò của Bà đủ mọi lứa tuổi, già trẻ lớn bé có cả…

Lạ nữa là: Học Anh văn, tuy trình độ khác nhau nhưng mỗi học trò đều rất chủ động. Tự đến lớp, tự lấy bài ra chép, tự trả bài với Bà 
thầy hoặc Ông thầy và cũng…tự ra về.
Lớp học tại nhà Ông Bà 
thầy là một căn phòng nhỏ chừng 20 thước vuông, có máy lạnh mát mẻ. Giờ học cũng vô cùng linh động. Nếu học lớp “chung” thì bắt đầu từ 6h – đến 8h sáng. Chiều thì từ 2h30 – 4h30. Ai rảnh buổi nào thì đi buổi đó.

Ngoài ra còn những giờ bà thầy dạy “Private” tức là dạy một 
thầy một trò theo yêu cầu riêng của học viên muốn tiến nhanh ở kỹ năng nào…Và tất nhiên là học phí phải mắc gấp 2, thậm chí gấp ba lớp chung rồi.

Đến mãi sau này tôi mới hiểu triết lý sống, triết lý dạy học của Bà thầy.

Bà bảo: Đã học là phải học “chuẩn” ngay từ đầu. Nhất là …Nói.

Tâm lý chung của hầu hết người đến học, ai cũng chỉ nôn nóng nói được tiếng Anh chuẩn ngay như Bà 
thầy tức là chuẩn ngay như người Anh!

Nhưng lúc nào cũng vậy, bất cứ một người mới nào đến, Bà cũng cho làm 5 câu bài tập. Qua đó, Bà biết ngay người học đang ở đâu trên con đường gian nan đi học ngoại ngữ. Và hầu hết mọi người, kể cả những người tự cho là mình nói giỏi nhất cũng phải mang đến lớp 5 cuốn tập. Và bắt đầu bài học đầu tiên bằng những câu chữ tưởng chừng như quá đơn giản với biết bao băn khoăn trong lòng…

Và đây là bài học đầu tiên của tôi năm 1995:

What is your name? My name is Nga
Are you Vietnamese? Yes I am.
Are you Chinese? No, I am not.
Excuse me? 
Sorry

Thank You. You’re welcom
Thank you. No problem
Thank you. That’s all right…


Tất cả những câu đơn giản này đều phải tự viết chính tả được. Tự “Learn by heart” tức là học thuộc lòng hết để khi gấp cuốn sách lại có thể “Conversation” – đối thoại được với người nước ngoài mà ở đây là Bà 
thầy.

Cách học này, lúc đầu chưa quen thường là rất khó. Đã có rất nhiều người bỏ cuộc ở ngay những tuần đầu tiên. Nhưng nếu ai đã qua được khoảng 2 tháng rồi thì khả năng nói tăng nhanh khủng khiếp. Khả năng nghe, đọc, viết vì thế cũng nhanh theo…

Thế mới biết: Vạn sự khởi đầu nan.

Bà thầy bảo: Muốn xây nhà, thì phải làm móng thật tốt.
Học ngoại ngữ, cho dù Bạn có giỏi làm bài tập đến đâu, có giỏi chia động từ đến đâu, có giỏi đọc hiểu đến đâu mà không nói được thì cũng coi như…Vứt.

Do đó, Bà thầy không bao giờ nhân nhượng hay “hạ” chuẩn dạy xuống ngay cả khi các học viên “nhí “6 – 8″ tuổi nước mắt lưng tròng. Đến lớp là chỉ có nói, nói … và nói, còn mọi việc khác đều phải tự chuẩn bị ở nhà. Điều đó giải thích tại sao khi đến lớp để có thể “nói” được với Bà thầy khoảng một tiếng đồng hồ, các học trò đã phải tự học, tự “nói” ở nhà từ 2 – 3 tiếng nếu không muốn mất tiền một cách vô lý…

Học Bà 
thầy không đơn thuần là học tiếng Anh, mà còn là học lại lời ăn, tiếng nói bằng chính tiếng Việt trong sáng của mình và cũng là để trao đổi với Bà thầy về những điều vô cùng thú vị trong dòng chảy cuộc sống mỗi ngày…

Nhớ ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm, học phí so với mức sống lúc đó lại khá cao nên mỗi khi có tiền, tôi và con gái 8 tuổi lại đến học Bà 
thầy ông có tiền thì ở nhà học thuộc lòng những bài cũ để chờ đến khi… có tiền, chờ …gặp lại Bà thầy với bao điều muốn nói…Nói – Là thứ quà tặng vô cùng quý giá của con người – Là nghệ thuật của Cuộc sống.

Dù ngôn ngữ có khác nhau, nhưng chỉ cần thông qua chiếc cầu là “Nói” – Bạn có thể làm cho mọi người xích lại gần nhau, hiểu nhau, yêu thương và quý mến nhau như những người thân


Trần Bích Nga