TỰ TIN THUYẾT TRÌNH


Gần đây, trong quá trình tham gia huấn luyện đào tạo cho các bạn trẻ,tôi thường gặp rất nhiều trường hợp như: Ngồi cùng với nhóm bạn bè, bạn có thể ăn nói lưu loát, vui vẻ.Nhưng khi phải đứng trước nhóm hơi đông người,khi các cặp mắt đang đổ dồn về phía bạn…bạn thường bị lúng túng, hụt hơi, không biết nên bắt đầu từ đâu, thậm chí có một số bạn còn rất trẻ bỗng nhiên quên hết nội dung cần phải …Nói?

Vậy kỹ năng thuyết trình là gì? Có thực quá khó để thực hiện như bạn nghĩ hay không?

Thuyết trình – Nói nôm na là: Trình bày rõ ràng một vấn đề gì đó trước nhiều người.

Có thể chia ra nhiều trường hợp: Nhóm nhỏ khoảng vài chục người hay nhóm lớn từ 100 người thậm chí cả ngàn người trở lên.

Và thế nào được cho là nhóm lớn hay nhóm nhỏ cũng còn tùy thuộc vào khả năng thích ứng riêng của từng người

Đến đây, có lẽ các bạn đã nhận ra : Trong cuộc sống ta thường phải “thuyết trình” với các nhóm nhỏ nhiều hơn. Đó có thể là nhóm học tập, nhóm làm việc. Đó có thể là Ban Giám Đốc, ban giám khảo các cuộc thi. Đó cũng có thể là sinh hoạt của Câu lạc bộ… Và thế là “gánh nặng” thuyết trình dường như đã nhẹ hơn được một nửa?

Bài viết này sẽ đề cập đến “nhóm nhỏ” khoảng 10 đến vài chục người – Vốn là chuyện thường ngày thường gặp của chúng ta?

Vậy cần phải làm gì để đạt hiệu quả cao khi thuyết trình trước các nhóm nhỏ?

Nếu là nội dung biết trước và có thời gian thì bạn nên chuẩn bị trước. Thời gian thuyết trình càng ngắn, bạn càng phải bỏ thời gian chuẩn bị càng nhiều. Thí dụ như: bạn hãy chuẩn bị một đoạn ngắn 2 phút giới thiệu về những gì bạn có thể đóng góp cho cộng đồng chứ không phải nói về cá nhân bạn. Bạn chuẩn bị càng kỹ bao nhiêu thì sẽ càng hiệu quả bấy nhiêu khi cần giao lưu, kết nối trong các hội thảo, hội nghị…

Thông thường, một bài thuyết trình thường có 3 phần cũng như một bài làm văn thông thường mà các bạn hay làm, tức là cũng có: Mở đầu, thân bài và kết luận.

Trong ba phần này, phần mở đầu là quan trọng nhất. Bạn có chiếm được cảm tình, sự chú ý của người nghe hay không là ở “3 giây, 3 phút đầu tiên”.

Để chuẩn bị cho phần mở đầu này, cần chú ý trang phục của bạn. Trang phục phải phù hợp với chủ đề mà bạn thuyết trình. Trang phục sẽ “Nói” giùm bạn ngay khi xuất hiện trước mọi người. Chà thế mà người ta thường nói: Hình ảnh xuất hiện của bản thân – Là đại diện cho sự nghiệp của mình.

Kế đến là những câu nói đầu tiên – Nên học thuộc lòng nếu bạn chưa tự tin lắm. Thái độ chân thành, hết sức tư nhiên như đang nói chuyện với bạn bè, người thân…Thái độ chân thành sẽ khiến người nghe bỏ qua những điều gì đó mà bạn chưa thành thạo. Ánh mắt bao quát, chậm rãi và hãy hướng vào người nghe như đang muốn nói: Tôi ở đây là vì các bạn…

Thân bài: Bạn chỉ nên đưa vào 3 ý dẫu biết rằng có rất nhiều điều muốn nói, muốn giải thích…Nói ngắn gọn, dùng những câu đơn giản dễ hiểu.

Phần kết luận: Hãy tóm tắt lại những điều đã trình bày và không quên những câu nói tạo động lực hành động nhé.

Trong cuộc sống, nếu bạn có tài ăn nói thì chúc mừng và hãy phát huy. Còn nếu bạn ăn nói chưa giỏi thì cũng chưa phải là “trời sập” đến nơi… Vấn đề là bạn có muốn học tập và cải thiện kỹ năng này hay không thôi.

Thực hành – Thực hành – Thực hành – Đó là cách tốt nhất để đi đến Thành công!

Good Luck!

Trần Bích Nga